Trong số đó, có một loài hoa hiện diện gần như mọi nẻo đường, góc phố là hoa giấy. Tuy dáng hoa mộc mạc, giản dị, cũng không có mùi hương; nhưng, khi xuất hiện từng vệt, từng chùm trên các tuyến phố, hàng rào, hiên nhà với sắc màu nhẹ nhàng, lúc phơn phớt hồng, ưng ửng cam, hay tinh khôi trắng muốt… cũng đủ làm “đốn tim”, xốn xang nhiều người.
Tại Phú Mỹ Hưng, hoa giấy được trồng ở nhiều khu vực. Từ những ngày đầu mới xây dựng đô thị, chúng có mặt ở các công viên là chính. Khi hệ thống giao thông đồng bộ, cộng với các chương trình nâng cấp cảnh quan đô thị được triển khai, hoa giấy có thêm không gian khoe sắc ở các tuyến đường. Là loại phổ biến và quen thuộc với người Việt, khi cư dân dọn về sống ngày càng đông cũng là lúc đô thị rực rỡ tươi mới hơn nhờ vào sự xuất hiện của hoa giấy ở các ban công, sân vườn, hàng rào các khu biệt thự, căn hộ.
Có thể nói, hoa giấy là loại “dễ chịu” nhất với môi trường: bắt rễ nhanh, ưa sáng, đất khô, không mất quá nhiều công nuôi dưỡng. Nếu trồng ở vùng màu mỡ và có không gian đủ rộng thì chúng nở nhiều và kéo dài mùa hoa. Ở Phú Mỹ Hưng, điều kiện sinh trưởng khá thuận lợi cho hoa về cả thổ nhưỡng lẫn việc chăm sóc, nên hầu như quanh năm, ở đô thị chẳng bao giờ vắng mặt loại hoa sắc màu phong phú này.
Những nhành hoa giấy khiến nhiều người ngẩn ngơ thường nở rộ từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm. Riêng ở Phú Mỹ Hưng, hoa “gây thương nhớ” quanh năm bởi nở gần đủ 365 ngày do được chăm sóc kỹ.
Tại các công viên, cây tạo bóng mát được trồng chủ yếu nên khi những thảm hoa giấy đa sắc nở rộ sẽ tạo thành vệt màu bắt mắt pha lẫn trong nền xanh rộng lớn.
Dọc các tuyến đường Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Linh, Trần Văn Trà, Hà Huy Tập… hoa giấy được trồng đa dạng hơn với kiểu thân mọc độc lập và xen kẽ tựa vào các loại cây tán rộng phủ mát. Do vậy mà sắc độ như vệt mực loang, lúc rực lên, lúc được pha loãng lẫn trong các cây khác. Giữa dòng xe ngược xuôi, sự đan xen giữa hoa và lá, giữa sắc xanh và đủ tone màu giúp làm dịu bớt cái nắng đầu hè oi bức.
Cảm xúc về hoa giấy đường phố trên trục Nguyễn Lương Bằng có lẽ mạnh mẽ hơn so với các tuyến đường khác bởi hoa được trồng tập trung ở dải phân cách nên khi nở, cả luống hoa bật màu giữa 2 vệt xanh sum xuê của các cây thân gỗ dọc vỉa hè. Có hơn 50 gốc hoa giấy được trồng dọc tuyến này. “Dãy cây mới trồng 4, 5 năm đã lớn thế này. Tôi cũng thích hoa giấy, đi quanh quận 7 thấy khu này cây đẹp nhất”, ông Thành – bảo vệ một nhà hàng trên trục đường chia sẻ.
Cảnh quan dải phân cách các tuyến đường thường có nhiều lớp; trong đó, tầng dưới cùng là thực bì – cỏ, hoa giấy nằm lưng chừng giữa thảm cây trang trí hay còn gọi là tầng trung bì và nhóm thân cao phủ bóng. Không chỉ giúp đường phố sinh động, sự pha trộn của cây – hoa – lá còn giúp người đi đường thư giãn thị lực và định hướng giao thông tốt hơn.
Một trong những điểm “check-in” của nhiều cư dân và khách vãng lai khi qua đường Trần Văn Trà chính là hàng hoa giấy dọc thành cầu Thầy Tiêu 2. Phông cho những bức “selfie” cực chất là vệt hoa rực rỡ kéo dài, xa xa là mặt sông thơ mộng loang loáng nước khi thủy triều lên.
Nhiều bức ảnh cưới được ra đời từ bản phối màu và chiều sâu hun hút của hàng cây Sao Đen quyện với hoa giấy trước trường Nam Sài Gòn góc đường Trần Văn Trà – Nguyễn Lương Bằng. Có thể nói, hàng Sao Đen này chính là những cây cổ thụ trong Phú Mỹ Hưng. Tuổi đời của chúng phải hơn 20 năm, được trồng cùng lúc với ngôi trường Nam Sài Gòn cũng là công trình đầu tiên được xây dựng trong đô thị. Vài năm trở lại đây, khi nâng cấp cảnh quan bằng cách tăng cường màu sắc cho đô thị vốn dĩ bị quen mắt với màu xanh, hoa giấy được trồng xen kẽ với cây phủ bóng. Càng trưởng thành thì sự “quấn quýt” của hoa giấy với hàng Sao Đen càng bền chặt bởi chúng có bệ đỡ vững chắc để vừa vươn mình theo chiều ngang vừa đua cao để “tranh” sáng với vòm lá bên trên.
Hoa giấy cũng xuất hiện khá dày ở các trường học trong Phú Mỹ Hưng. Với nhiều người, được ngắm những chùm hoa lõa xõa thế này cũng là lúc lắng lòng trở về một miền kí ức nào đó, bình dị, thân thương và đáng nhớ.
Cánh hoa giấy mỏng, nhẹ nên chỉ một cơn gió thoáng qua cũng đủ rụng, bay tan vào không gian tạo nên khung cảnh vô cùng lãng mạn.
Nhờ sự xuất hiện của hoa giấy khắp nơi trong Phú Mỹ Hưng mà các công trình kiến trúc ở đây cũng trở nên mềm mại, duyên dáng hơn.
Nhiều gia đình cũng rất thích hoa giấy nên chúng xuất hiện khá nhiều ở các biệt thự, căn hộ. Nhiều khóm hoa tốt đến độ phủ kín một góc đường và trở thành địa mốc chỉ đường cho khách, shipper, taxi… hỏi đường.
Khó ai có thể bỏ lỡ khoảnh khắc ráng chiều buông trên những giàn hoa giấy như thế này. Ở Phú Mỹ Hưng, những góc phố đáng yêu như vậy xuất hiện ngày càng nhiều.
Nhiều người gọi Phú Mỹ Hưng là “quê hương của trăm quê hương”. Đúng thật, đô thị này hiện là nơi an cư của hàng vạn gia đình đến từ khắp mọi miền. Cũng vì thế mà việc làm cho đô thị đẹp hơn, đáng sống hơn từ những điều bình dị như tạo môi trường cảnh quan xanh sạch đẹp, thân thiện là điều chủ đầu tư nỗ lực thực hiện. Không chỉ có sắc màu phong phú, hoa giấy còn mang ý nghĩa sum vầy, hạnh phúc, may mắn, tài lộc, an yên. Có lẽ vì điều này mà hoa giấy được trồng khá nhiều ở đô thị như một dấu điểm tốt lành đón chào những ai đến đây làm việc, sinh sống hay đơn giản chỉ là tham quan ngoạn cảnh.